Business Mannar trong doanh nghiệp Nhật Bản – Chào hỏi ①

Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa đặc sắc phong phú và riêng biệt, một nét văn hóa được chú ý đầu tiên khi nói đến đất nước này là văn hóa chào hỏi của người Nhật khi giao tiếp. Hãy cùng Sekisho Việt Nam tìm hiểu về văn hóa chào hỏi trong văn hóa Nhật nhé.

1. Những điều cần chú ý khi chào hỏi

Hàng ngày, tại nhiều địa điểm khác nhau, chúng ta đã chào hỏi rất nhiều người.

Khi bạn thức dậy ở nhà vào buổi sáng, bạn nói “Chào buổi sáng”, khi đến nơi làm việc bạn cũng chào hỏi vào buổi sáng, khi gặp khách hàng hay bạn bè bạn cũng bắt đầu bằng việc chào hỏi… Như bạn thấy đó, việc đầu tiên khi ta gặp một ai đó cũng là chào hỏi đúng không nào.

Chào hỏi chính là bước đầu tiên của việc giao tiếp. Ấn tượng mà bạn dành cho người đối diện sẽ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào ngôn từ chào hỏi và cách cúi chào của bạn.

Vậy thì chúng ta chú ý những điều gì khi chào hỏi đây? Theo chúng tôi thì chúng ta cần chú ý 4 điểm lớn dưới đây:

– Nụ cười

– Giọng nói rõ ràng tươi sáng

– Ánh mắt

– Thời gian

Với một giọng nói rõ ràng tươi sáng khi chào hỏi, bạn sẽ làm cho bản thân mình và cả người nghe đều cảm thấy tâm trạng tươi sáng hơn.

Sau đó, khi chào hỏi ai đó, bản thân bạn cần có một sự chân thành, nhiệt tình cũng rất quan trọng.

Lời chào là cơ sở của các mối quan hệ tốt, và chúng như một chất bôi trơn để công việc suôn sẻ và các mối quan hệ tốt đẹp.

Người ta thường nói rằng các mối quan hệ của con người “bắt đầu bằng một lời chào và kết thúc bằng một lời chào”, vì vậy chúng ta hãy ghi nhớ và thực hiện những lời chào chân thành và dễ chịu nhé.

2. Các cách cúi chào

Mặc dù cúi chào chỉ là một động tác đơn giản, nhưng nhìn chung, cúi đầu sẽ có 3 kiểu, tùy từng thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, chúng sẽ có cách sử dụng khác nhau.

Vậy 3 kiểu cúi đầu này có gì khác nhau, sử dụng như thế nào là đúng thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.

Đầu tiên là kiểu chào Eshaku (会釈) – Kiểu khẽ cúi chào (cúi chào gập người 15 độ): là kiểu chào hỏi cho những người ở cùng độ tuổi, tầng lớp và địa vị xã hội, thể hiện sự thân mật, nhẹ nhàng. Trông kiểu chào hỏi này thì thân và mình chỉ hơi cúi khoảng 15 độ trong vòng từ một đến hai giây, hai tay có thể để bên hông.

Eshaku cũng là kiểu được dùng nhiều nhất trong ngày của người Nhật, cũng như đơn giản nhất của họ. Người Nhật thưởng chỉ chào đúng theo lễ trong lần gặp đầu tiên trong ngày, từ những lần gặp sau họ thưởng chỉ khẽ cúi chào.

Tiếp theo kiểu chào Keirei (敬礼) – Kiểu cúi chào bình thường (cúi chào gập người 30 ~ 50 độ): là kiểu chào có mức độ thể hiện sự sang trọng cao hơn so với Eshaku. Keirei là kiểu cúi chào được dùng trong chào hỏi với cấp trên, những người lớn tuổi hơn hoặc khách hàng, đối tác làm ăn….

Với kiểu cúi chào này, người Nhật sẽ cúi thấp từ 30 đến 50 độ trong khoảng 2 đến 3 giây. Nếu bạn ngồi trên sàn đất mà muốn thực hiện kiểu chào này thì hai tai phải úp xuống mặt đất và cách nhau từ 10 đến 20cm, khoảng cách từ đầu tới sàn khi cúi nên ở mức 10 đến 15cm.

Cuối cùng Saikeirei (最敬礼) – Kiểu cúi chào thay cho những lời chào trang trọng nhất (cúi chào gập người từ 45~ 60 độ): là kiểu chào thể hiện sự tôn trọng cao nhất tới đối phương, thể hiện lòng biết ơn, niềm kính trọng tới các đấng tối cao và thiêng liêng như Thần, Phật, Chúa Trời, quốc kỳ…., hoặc đối với các bậc sinh thành như ông bà, cha mẹ…

Kiểu chào trang trọng này người Nhật sẽ cúi rất thấp, khoảng 45 đến 60 độ và giữ nguyên trong khoảng 3 giây, thậm chí lâu hơn.

Bằng cách cúi chào theo từng hoàn cảnh như vậy, nó sẽ trở thành một phương tiện để truyền tải cảm xúc như sự thương cảm, kính trọng, lòng biết ơn, lời xin lỗi của bản thân đến trái tim của người đối diện. Chính vì vậy chúng tôi hi vọng bạn có thể ghi nhớ về những kiểu cúi chào và hoàn cảnh sử dụng của từng kiểu chào này nhé.