VĂN HÓA TRÀ ĐẠO CỦA NHẬT BẢN

Là quốc gia Á Đông, trong thời kỳ phong kiến Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa, dần dần hình thành các loại hình văn hóa truyền thống như Thư pháp, Hoa đạo, Trà đạo, Kiếm đạo. Những loại hình này được người Nhật Bản sáng tạo, biến tấu, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, độc đáo.

Hãy cùng Sekisho tìm hiểu về Trà đạo để thấy sự sáng tạo của người Nhật nhé!

1. Khái lược lịch sử Trà đạo Nhật Bản

Trà bắt nguồn từ Trung Quốc. Vào thời kỳ nhà Đường (từ 618-907), trà được phổ biến rộng rãi, sử dụng trong các quán nước tại kinh đô Trường An, trong các chùa, miếu điện. Cách chế biến trà thời kỳ đầu như sau: lá chè dồn thành đống lớn, hấp và tạo hình thành từng miếng cứng. Khi sử dụng thì cắt một phần, nghiền thành bột và cho vào cùng nước nóng.

Cách sử dụng và chế biến chè như trên được du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Nara (710-794). Trong giai đoạn này, trà được coi là thức uống quý giá, chỉ dành cho Thiên Hoàng và giới quý tộc và các dịp khánh lễ. Trà được các chùa và thiền viện sử dụng như một nghi thức để tiếp đón khách tới thăm.

Phong cách trà đạo Nhật Bản được định hình rõ ràng và phát triển cực thịnh vào thời kỳ Kamakura (1185-1333). Đây cũng là giai đoạn xuất hiện khái niệm Trà đạo Nhật Bản, hình thành quy cách pha trà, thưởng trà trong không gian phòng trà. Việc này có một phần công rất lớn từ nhà sư có tên Eisai栄西. Nhà sư này tìm cách sang Ấn Độ từ Trung Quốc nhưng không thành, nên ông đã quay về Nhật Bản, mang theo tư tưởng thiền và trà đạo đã học được từ Trung Quốc. Bột trà xanh matcha cũng được du nhập vào Nhật Bản trong thời gian này, được truyền bá với tác dụng tốt cho sức khỏe.

Từ sau thời Kamakura, trà đạo có những hướng phát triển và xuất hiện ra các trường phái. Tuy nhiên, phong cách trà đạo hiện tại còn lưu truyền ở Nhật Bản về cơ bản vẫn giữ nguyên bản từ thời Kamakura.

2.Phong cách Trà đạo Nhật Bản

Trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn thuần dừng ở thưởng thức việc pha trà, uống trà. Trà đạo Nhật Bản có thế coi là nghệ thuật tổng hợp do pha trộn yếu tố của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, thủ công, văn hóa khác nhau.

Khi thực hành trà đạo, ta sẽ sử dụng trà cụ (bát gốm, thìa, chổi đánh trà). Mỗi trà cụ cũng là một tác phẩm gốm tinh xảo, độc đáo. Không gian kiến trúc phòng trà đạo được trang trí bức thư pháp, bình hoa. Khi dùng trà, ta sẽ thưởng thức cùng với bánh truyền thống của Nhật. Tất cả các yếu tố trên kết hợp lại, khiến người ta có cảm giác bước vào không gian nghệ thuật khi bắt đầu thực hành trà đạo.

Một điểm hấp dẫn khác của trà đạo nằm ở yếu tố coi trọng khách của người Nhật. Trong tiếng Nhật có câu “Nhất kỳ nhất hội”, tạm dịch “Một thời điểm, một cuộc gặp gỡ”. Câu nói trên đề cao sự trân trọng từng khoảng khắc với người khách mà mình được gặp gỡ. Ta và khách cùng vừa uống trà, thông qua việc uống trà mà trao đổi câu chuyện, đàm luận về nghệ thuật, thế sự. Khi con người ta chìm vào trong không gian ấm cúng và yên tĩnh tại phòng trà, ta và khách có thể dễ dàng mở lòng nói chuyện cùng nhau.

Không chỉ đề cao yếu tố trà, trà đạo Nhật Bản có sự kết nối và dung hợp giữa trà, bánh, hoa, thơ ca, không gian và tâm hồn của người tham gia. Đó chính là điều đặc biệt của trà đạo Nhật Bản.

3. Thưởng thức trà đạo Nhật Bản tại Việt Nam

Tại Việt Nam, có một trà thất (phòng trà) được xây dựng với phong cách chuẩn Nhật, do chính trường phái trà đạo nổi tiếng Urasenkei xây dựng và trao tặng. Trà Thất này được đặt tại tòa nhà FPT (Duy Tân, Cấu Giấy). Ngoài ra, tại Hà Nội, còn có câu lạc bộ trà đạo Urasenke Tankokai.
Các bạn quan tâm có thể tìm hiểu về các địa điểm cùng một số sự kiện giao lưu văn hóa để trải nghiệp trà đạo nhé.


Link tham khảo:

日本のお茶・茶道・茶の湯の歴史を簡単にわかりやすく解説 | 多文化多言語研究会 (carreiraenglish.com)