TÌNH HÌNH THIẾU HỤT NGUỒN LAO ĐỘNG HIỆN NAY

Những năm gần đây, thiếu hụt nhân lực là vấn đề lớn các doanh nghiệp Nhật Bản. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không có lao động. Vậy thực trạng này đang nghiêm trọng đến mức nào, chính phủ và các doanh nghiệp đang đưa ra đối sách gì? Hãy cùng Sekisho tìm hiểu trong bài viết này nhé.

  1. Tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản được công bố vào năm 2019, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong vòng 45 năm trở lại đây.

Trung bình trong năm 2018, cứ 161 công việc đăng tuyển thì chỉ có 100 người tìm việc. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức cực thấp kể từ năm 1992 đến nay, năm 2018 tỷ lệ thất nghiệp là 2.4%. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là bởi tốc độ già hóa dân số nhanh cùng với tỷ lệ sinh thấp. Theo dự đoán, đến năm 2030, cứ 3 người Nhật sẽ có 1 người trên 65 tuổi. Điều này sẽ càng khiến tình trạng thiếu hụt dân số trong độ tuổi lao động trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài già hóa dân số, việc một số doanh nghiệp Nhật Bản chưa nhanh chóng đưa chuyển đổi số vào vận hành, sự chênh lệch về cung cầu trong các ngành cần lao động chân tay, làm ca cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động.

Mặc dù Nhật Bản đã thực hiện nhiều chính sách để gia tăng lực lượng lao động như tạo điều kiện cho phụ nữ, người cao tuổi tham gia làm việc theo hình thức linh hoạt, hỗ trợ cho người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản theo hình thức thực tập sinh kỹ năng… Tuy nhiên, về lâu dài, Nhật Bản vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề lao động. Những ngành nghề đang thiếu nhiều lao động hiện nay gồm có nông nghiệp, xây dựng, điều dưỡng, cơ khí, lao động tay nghề cao bằng kỹ sư (Cơ khí, IT…), khách sạn, nhà hàng…

2. Chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản

Một khảo sát của đài truyền hình TV Tokyo và báo Nikkei thực hiện vào năm 2018 cho thấy, 54% người Nhật tham gia khảo sát ủng hộ chính phủ mở cửa cho lao động phổ thông nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (tháng 10/2019), số người nước ngoài đang làm việc tại Nhật là 1.658.804 người, mức cao kỷ lục kể từ năm 2007 đến nay. Ngoài ta, số du học sinh tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cũng tăng đáng kể, chiếm 31.1% số người tốt nghiệp, hoàn thành chương trình đào tạo. (số liệu năm 2016).

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người nước ngoài tới làm việc tại Nhật, phổ biến nhất là tư cách lưu trú trong lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật (Visa Kỹ sư/Trí thức/Nghiệp vụ quốc tế) và tư cách lưu trú thực tập sinh kỹ năng. Ngoài ra, còn có tư cách lưu trú theo địa vị xã hội (visa vĩnh trú).

Số lượng người nước ngoài tại Nhật Bản phân chia theo ngành nghề có vị trí lần lượt là Ngành Sản xuất (20.4%), ngành Bán buôn, bán lẻ (17.4%), ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống (14.2%), Y tế phúc lợi (5%) (Số liệu năm 2019). Trong những công ty quy mô dưới 30 người có tới 59.8% doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài.

3. Cơ hội và khó khăn đối với lao động Việt Nam khi sang Nhật làm việc

Tính đến năm 2021, có khoảng 433.000 người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản.  Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về số lượng người nước ngoài đang sinh sống tại quốc gia mặt trời mọc.

Qua phim ảnh, tin tức, Nhật Bản từ lâu đã xây dựng được hình ảnh thiện cảm với người Việt Nam. Người Việt Nam thường có thái độ tích cực và ngưỡng mộ đối với chất lượng sản phẩm, công nghệ của quốc gia phù tang. Không chỉ vậy, có rất nhiều người Việt yêu thích văn hóa, ẩm thực, cảnh sắc nơi đây. Ngoài ra, việc thu nhập tại Nhật Bản ở mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung tại Việt Nam cũng là điểm hấp dẫn với người lao động.

Khi người lao động Việt Nam tới Nhật Bản, ngoài mức thu nhập đủ để cho họ dành dụm một khoản vốn, họ sẽ có cơ hội trải nghiệm môi trường sống và làm việc tại quốc gia phát triển tốp đầu của thế giới. Người lao động sẽ được tiếp xúc với công nghệ sản xuất, học hỏi các thao tác, kỹ năng nghề nghiệp. Trong thời gian ở Nhật Bản, người lao động được rèn luyện những đức tính tốt như nghiêm túc, kỷ luật… và hình thành tác phong làm việc chuẩn chỉnh. Sau những giờ làm việc, người lao động có cơ hội trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa tuyệt đẹp, tận hưởng chất lượng không khí, thực phẩm cực kỳ đảm bảo.

Nhật Bản không phải chỉ toàn màu hồng. Khi tới một quốc gia khác, người lao động phải đối mặt với nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ, khác biệt về luật pháp, văn hóa. Người lao động cũng cần cảnh giác với các cạm bẫy, cám dỗ đến từ trung tâm giới thiệu (tiền phí cao), các hoạt động lao động chui, trái pháp luật…

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn tồn tại dù người lao động làm việc ở bất cứ quốc gia nào. Việc thiếu hụt lao động hiện không chỉ là khó khăn của Nhật Bản mà còn của nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Đức… Tuy tình hình kinh tế tại Nhật Bản hiện đang suy thoái, khiến đồng yên giảm mạnh nhưng với môi trường làm việc ổn định, chế độ luật bảo vệ lao động, Nhật Bản vẫn sẽ là thị trường có sức hút với người Việt Nam.

Tham khảo:

日本の在留ベトナム人数43.3万人、中国に次ぎ国籍別2位 [統計] – VIETJOベトナムニュース (viet-jo.com)

人手不足が深刻化する日本|現状と原因、企業が実施したい6つの対策 (miidas.jp)