Phong tục trao bao lì xì ở Nhật

Chào các bạn, Sekisho lại đến ngày trò chuyện với các bạn rồi.

Không khí nhộn nhịp, náo nhiệt ngoài đường phố đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong căn nhà, vào phòng làm việc của chúng mình chưa nhỉ? Với không khí này, chắc hẳn các bạn cũng mường tượng chủ đề hôm nay của chúng mình là gì rồi nhỉ.

Dọn nhà, trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ đón Tết được coi như một nét văn hóa của người Châu Á. Và, những thứ được trẻ em nô nức, háo hức chờ đón nhất là những bao lì xì xinh đẹp. Cũng giống như ở Việt Nam, chúng mình cũng chuẩn bị các bao lì xì đầu năm để mừng các em bé, chúc các em bé một năm mới chăm ngoan, học giỏi, chúc những điều may mắn nhất.

Ở Nhật Bản cũng vậy, lì xì là một phần không thể thiếu trong văn hóa người dân xứ Anh Đào. Và tiền lì xì đầu năm ở Nhật gọi là Otoshidama.

Vậy nguồn gốc của phong tục lì xì năm mới này từ đâu?

Người ta cho rằng phong tục này đã có hàng trăm năm nay tại Nhật Bản, nó cũng được thay thế bằng tiền từ thời kì Edo, hơn 400 năm và Nhật Bản vẫn giữ nét văn hóa đó đến ngày nay. Khác với Việt Nam, người ta có thể mừng tuổi cho người già, nhưng ở Nhật có quan niệm chỉ những người cao tuổi mới mừng tuổi cho người ít tuổi hơn mà thôi.

Đáng quý nhất không phải số tiền trong Otoshidama mà là những lời chúc đi kèm, đây được xem là những câu chúc mang lại may mắn cả năm cho người Nhật.

Theo quan niệm của người Nhật, ngày tết Nguyên đán 1/1, linh hồn tổ tiên sẽ từ trên núi xuống, đóng vai vị thần năm mới, đem bình an và phước lành cho ngôi nhà.

Để cảm tạ việc này, người ta sẽ cúng món bánh gạo Kagami Mochi là vật tượng trưng cho mùa màng tốt tươi, đồng thời trang trí các món đồ khởi duyên tốt lành ở phía trước ngôi nhà, để nghênh đón vị Thần năm mới đến.

Theo thời gian, từ toshidama được dùng để chỉ những món quà bố mẹ tặng cho con cái, hoặc người lớn tặng cho trẻ con trong dịp năm mới. Những món quà đó thường là quạt, thuốc và bánh gạo, nhưng cũng không phải là lạ nếu người ta tặng trẻ con đồ chơi, ví dụ như diều cho bé trai, và vợt hagoita cho bé gái. Đây là tiền đề ra đời Otoshidama.

Ngày nay, thay vào những món quà tặng đó, người lớn mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền, và món tiền đó được thêm kính ngữ o- vào trước từ toshidama, và trở thành o-toshidama. Otoshidama thường được cho vào những phong bao nhỏ trang trí rất đẹp mắt. Phong bao đó được gọi là pochibukuro.

Về ý nghĩa

Người dân “xứ anh đào” cho rằng, tặng Otoshidama cho trẻ nhỏ là mong muốn sang năm mới thêm một tuổi mới, đứa trẻ sẽ hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh và thành công trong học hành.

Phong bao lì xì sẽ tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có vào các dịp tết. Khi nhận được lì xì người nhận luôn tin rằng những bao lì xì sẽ đem lại một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn.

Số tiền trong mỗi bao lì xì đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc.