日系企業の役職のご紹介

Giới thiệu các chức danh trong công ty Nhật

Khi mới vào làm việc ở một công ty Nhật Bản,chắc hẳn bạn sẽ muốn tìm hiểu về cấu trúc, sơ đồ của doanh nghiệp đó. Nắm được các chức danh, tiếp đó là vai trò và vị trí của mọi người trong công ty là điều rất cần thiết để bạn có thể làm quen nhanh cũng như có mục tiêu lâu dài trong việc phát triển con đường sự nghiệp của mình.

Với mỗi hình thức kinh doanh khác nhau, các công ty sẽ có các vị trí khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung đa số các công ty Nhật có các chức danh sau đây.

1.社長 – Shachou (Tổng giám đốc)

Đây là người đứng đầu và chịu trách nhiệm về công ty và cũng là người có quyền lực cao nhất, đứng đầu doanh nghiệp Nhiều trường hợp giám đốc có quyền đại diện nên làm việc với vai trò là Giám đốc đại diện -代表取締役 (Daihyo Torishimariyaku)

2. 副社長 – Fukushacho (Phó tổng giám đốc) 

Phó tổng giám đốc cũng là vị trí nhân sự cấp cao trong bộ máy điều hành, thay mặt tổng giám đốc xử lý và quyết định các công việc khi Giám đốc vắng mặt, thực hiện những công việc khi được ủy quyền.

3. 部長 – Buchou (Giám đốc bộ phận / trưởng bộ phận)

Thông thường, một công ty sẽ có một ban giám đốc, trong ban giám đốc có nhiều giám đốc thực hiện các chức năng khác nhau, tham gia quản lý, dẫn dắt một lĩnh vực cụ thể trong công ty, quản lý chung của một bộ phận

4. 次長 (Jicho – Phó bộ phận/Phụ trách bộ phận)

Là người hỗ trợ phụ trách của bộ phận. Tuỳ thuộc vào từng công ty mà có thể được gọi là 補佐 (Hosa – Trợ lý) hoặc 代理 (Dairi – Đại diện)

5. 課長 – Kachou (Trưởng phòng )

Trong một công ty Nhật bao giờ cũng chia thành các phòng (nhỏ hơn Busho – bộ phận). Trưởng phòng là người đại diện và quản lý của một phòng như vậy.

6. 係長 – Kakaricho  (Quản lý/Quản đốc)

Là người chịu trách nhiệm quản lý một mảng trong nghiệp vụ của phòng

Ngoài những chức vụ như trên, một số công ty còn có 主任 (Shunin – Chủ nhiệm/người trợ lý của Trưởng phòng) hay リーダー (Rida -Nhóm trưởng/ Quản lý một nhóm nhỏ). Tuỳ vào từng doanh nghiệp, loại hình quy mô mà các chức danh và nội dung công việc của từng chức danh sẽ có sự khác biệt, tuy nhiên nhìn chung, trong các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có những chức vụ, vị trí như trên.

Mong rằng qua bài viết này, Sekisho Việt Nam đã giúp các bạn có một cái nhìn cơ bản về các vị trí trong doanh nghiệp Nhật Bản và chắc hẳn sau khi xem qua bài viết này, các bạn cũng đã vạch ra được một lộ trình thăng tiến của bản thân mình trong tương lai rồi đúng không?