Trò chơi ngày Tết: chơi bài Karuta

Chào các bạn độc giả yêu quý của Sekisho!

Tại thời điểm mình viết bài này thì tháng 12 của năm 2023 đã gần trôi qua rồi. Thời tiết “cuối cùng” đã sang Đông nhờ những đợt gió mùa, giúp thủ đô Hà Nội nơi mình sinh sống được hạ nhiệt phần nào. Đáng lẽ, khi thời tiết có phần dịu nhẹ thì con người cũng nên thư thái hơn, nhưng mình cảm giác dòng người ngày càng hối hả hơn trước. Mình tự hỏi rằng lý do nào dẫn đến sự việc trái ngược như vậy thì trong đầu mình nảy ra ý nghĩ: “À, sắp đến Tết rồi”.

Khi nói đến giải trí ngày Tết, người Nhật thay vì sử dụng bài Tây, họ sử dụng bài Karuta – bộ bài truyền thống của người Nhật.

 Karuta – bộ bài hơn 400 năm tuổi

Từ giữa thế kỉ 16, khi Nhật Bản bắt đầu giao thương với Bồ Đào Nha, nhiều tri thức và văn hóa được du nhập trong đó có bài Tây. Thời gian trôi qua, những lá bài Tây đã được người Nhật biến tấu và lồng ghép để trở thành bộ bài Karuta như ngày nay.

Bộ bài Karuta hình chữ nhật, nhỏ bằng lòng bàn tay và có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Bộ bài mang nhiều họa tiết độc đáo như động vật , hoa lá, câu thơ, tục ngữ hay các bức vẽ người Nhật thời xưa.

Những lá bài J,Q,K có hình phương Tây thì bộ bài Karuta mang hình ảnh của 100 vị thi nhân nổi tiếng của Nhật Bản.

Karuta – 3 loại bài phổ biến

  • Uta garuta – (歌がるた) mang ý nghĩa là bài ngâm thơ, gồm 200 lá. Bộ bài được chia làm 2 phần là Yomifuda (読札) bài đọc và Torifuda(取り札) bài lấy tương ứng. Người điều khiển sẽ cầm toàn bộ 100 lá Yomifuda, còn những lá Torifuda sẽ đặt trước mặt người chơi. Khi lá Yofimuda được ngâm, người chơi sẽ phải nhanh chóng tìm lá Torifuda tương ứng và người có nhiều lá Torifuda hơn sẽ là người chiến thắng.

Iroha karuta – (いろはかるた) là phiên bản đơn giản của Uta garuta, chỉ gồm có 96 lá, Yomifuda và Torifuda mỗi phần 48 lá. Những bài thơ được viết trên lá bài, toàn bộ được viết bằng Hiragana – bảng chữ cơ bản nhất của tiếng Nhật – với mục đích để trẻ em dễ dàng ghi nhớ bảng chữ cái.

Hanafuda – (花札) là phiên bản phức tạp nhất của Karuta. Bộ bài gồm có 48 lá, chia làm 12 nhóm – tượng trưng cho 12 tháng của một năm- và 4 thang điểm:

  • Kasu (カス) có ý nghĩa là rác, chỉ được tính 1 điểm, hoa văn thường là cây hoặc hoa đứng một mình. Mỗi một tháng thường có 2 đến 3 lá Kasu.
  • Tanzaku (短冊) có nghĩa là mảnh giấy nhỏ ghi điều ước, được tính 5 điểm. Một bộ bài có 5 lá Tanzaku được chia làm 2 loại là Akatan (赤短)-giấy đỏ và Aotan(青短)-giấy tím.
  • Tane(タネ) là những lá bài hình động vật hoặc đồ vật tượng trưng cho văn hóa Nhật Bản. Một bộ bài có 9 lá Tane, mỗi lá tính 10 điểm.
  • Hikari(光) là những lá bài có điểm cao nhất. Mỗi lá Hikari được tính là 20 điểm và một bộ bài chỉ có 5 lá.

Cách chơi Hanafuda:

a, Chuẩn bị:

  • Hai người chơi rút ngẫu nhiên một thẻ bài, người nào rút được thẻ bài của tháng nhỏ nhất là nhà Cái. Nhà Cái là người chia bài và đánh bài đầu tiên.
  • Nhà Cái chia 8 lá bài úp đặt trước mặt. Đồng thời trải thêm 8 quân bài đặt tại Sàn. Số bài còn lại được đặt úp bên cạnh.
  • Đối với 8 quân bài ở trên sàn, nếu có đủ một bộ 4 quân bài cùng 1 tháng thì ván chơi vô hiệu và chia lại. Nếu trên bài có ¾ quân bài của 1 tháng thì người chơi có lá bài cuối cùng sẽ nhận được toàn bộ quân bài của tháng đó.
  • Teshi : 4 lá bài cùng tháng – 6 điểm

Kuttsuki: 2 thẻ bài từ 4 tháng khác nhau – 6 điểm

Cách chơi:

Vào mỗi một lượt chơi, người chơi sẽ đánh xuống một quân bài xuống sàn và xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

  • Nếu trùng tháng với một quân bài, bắt quân đó về khu vực mình và ngửa lên.
  • Nếu trùng tháng với hai quân bài, bắt một trong hai quân bài.
  • Nếu trùng tháng với ba quân bài, bắt cả ba quân bài.
  • Nếu không trùng tháng nào, để quân đó trên sàn.

Lượt chơi kết thúc và sau đó tới lượt của đối thủ. Trò chơi tiếp tục cho tới khi người chơi tạo ra một “Yaku” – một set bài. Người chơi có quyền lựa chọn 2 trường hợp dưới đây:

  • Dừng trò chơi. Tính điểm theo điểm Yaku và đối thủ không được điểm nào.
  • Tiếp tục trò chơi, còn có cách gọi khác là “Koi Koi” khi người chơi muốn lập nhiều Yaku hơn. Trò chơi tiếp tục đến khi một Yaku được lập. Nếu tiếp tục lập được Yaku thì người này sẽ nhân đôi điểm và người còn lại sẽ không được điểm nào.

Trò chơi kết thúc khi một người chơi được Yaku và không chơi tiếp hoặc hết bài để bốc. Trong trường hợp 2 người chơi liên tục Koi Koi nhưng không thêm được Yaku thì hòa, còn gọi là Nagare.

Các bộ Yaku:

a, Akatan, Aotan no Chofuku: Thu thập đủ các cuộn câu đối – 10 điểm

b, Gokou (Ngũ Quang): Đủ các lá đầu tiên của tháng 1,3,8,11,12 – 10 điểm

c, Shiko (Tứ Quang): Giống Ngũ Quang trừ tháng 11 – 8 điểm

d, Sanko (Tam Quang): Gồm ba lá quang bất kỳ – 5 điểm

e, Akatan: Thu thập đủ 3 cuộn câu đối có bài thơ – 5 điểm

f, Aotan: Thu thập đủ 3 cuộn giấy tím – 5 điểm

g, Inoshikakucho: Thu thập 3 lá Lợn rừng, Hươu và Bướm – 5 điểm

g, Hanami-zake: Gồm 2 lá Hikari tháng 3 và Cốc rượu. Uống rượu ngắm hoa – 5 điểm

h, Tsukimi-zake: Gồm 2 lá Hikari Trăng và Cốc rượu. Uống rượu ngắm trăng – 5 điểm

i, Tane: Gồm 5 lá Tane bất kỳ. Mỗi lá Tane thêm vào được cộng thêm 1 điểm – 1 điểm

k, Tanzaku: Gồm 5 lá cuộn giấy bất kỳ. Thêm mỗi lá từ lá thứ 6 cộng thêm 1 điểm – 1 điểm

l, Kasu: Gồm 10 lá Kasu. Thêm mỗi là Kasu từ lá thứ 11 cộng thêm 1 điểm – 1 điểm

Trên đây là các trò chơi và cách chơi các trò dân gian của Nhật Bản. Hi vọng bài viết trên đây sẽ đem đến cho các bạn những kiến thức bổ ích nhất!